Tin tức hành hương

Tứ Đại Danh Sơn Trung Quốc - Phần 1 Phổ Đà Sơn

24/09/2019 Bởi:Admin
Tứ Đại Danh Sơn Trung Quốc - Phần 1 Phổ Đà Sơn

Hành trình tâm linh, chiêm bái “Tứ Đại Danh Sơn”

Phần 1: Phổ Đà Sơn – Nam Hải Thắng Cảnh

 

          Theo dấu hành trình phát triển của phật giáo, chúng ta tìm đến với Trung Quốc, nơi đã đưa phật giáo lên đỉnh cao của sự phát triển. Phật giáo từ Ấn Độ được truyền theo nhiều con đường khác nhau, nhưng khi đến Trung Quốc, Phật giáo biến đổi nhập thế và đã tạo nên Phật Giáo Đại Thừa (hay con goi là Bắc Tông). Và Phật Giáo Đại Thừa đã phát triển rực rỡ tại Trung Quốc, lan tỏa ảnh hưởng đến nhiều nước xung quanh trong đó có Việt Nam.

          Trong bài viết này du lịch Việt Phong sẽ cùng bạn tìm hiểu về những thánh tích cổ kính, linh thiêng của Phật Giáo tại trung Quốc. Đặc biệt với cái tên “Tứ Đại Danh Sơn” mà không ít phật tử ao ước một lần đặt chân tới chiêm bái. “Tứ Đại Danh Sơn”, Bốn ngọn núi linh thiêng trong lòng tất thảy những người con phật. Đây là những nơi được tương truyền là nơi ứng hiện và là đạo tràng của: Quan Thế Âm Bồ Tát (Phổ Đà Sơn); Văn Thù Bồ Tát (Ngũ Đài Sơn); Phổ Hiền Bồ Tát (Nga My Sơn); và Địa Tạng Bồ Tát (Cửu Hoa Sơn). Tứ Đại Danh Sơn có thể xem là đại biểu cho tinh thần của Phật Giáo Đại Thừa. Tinh thần vĩ đại này làm lay động xúc cảm vô số trái tim của người con Phật khi đến đây hành hương chiêm bái.

           Nơi chúng ta nhắc đến đầu tiên trong bài viết này là Phổ Đà Sơn, là đạo tràng, nơi ứng hiện của Quán Thế Âm Bồ Tát.

          Phổ Đa Sơn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Tiểu Bạch Hoa, Bố Đà Lạc Già, Hải Thiên Phật Quốc, Nam Hải Thánh Cảnh,… Phổ Đà Sơn nằm trong biển Đông Nam, Huyện Định Hải, Tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Đây là một hòn đảo nhỏ có diện tích 13 km2, tọa lạc tại cửa sông Tiền Đường.

          Vào thời kỳ phát triển phồn thịnh nhất của Phật Giáo, nơi đây có đến 4 ngôi chùa lớn, 106 am, và hơn 4.654 nhà tu. Rất nhiều công trình vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn đến tận ngày nay. Phổ Đà Sơn trở thành một tâm điểm hành hương, tu tập của các Phật tử khắp thập phương bởi sự thanh tịnh và linh thiêng diệu kỳ tại nơi Quán Thế Âm Bồ Tát Ứng hiện.

          Tương truyền, năm 858, có một nhà sư pháp danh Huệ Ngạc người Nhật Bản, sau thời gian dài tu học tại Ngũ Đài Sơn, có thỉnh một bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát về Nhật Bản.  Khi dong thuyền về Nhật Bản, qua đến địa phận biển Nam Hải, thuyền cứ luẩn quẩn xoay vòng trên biển, không thể nào tiến ra biển khởi để tiếp tục hành trình về Nhật Bản được. Sau nhiều ngày không đi được, cao tăng Huệ Ngạc hiểu rằng Quán Thế Âm Bồ Tát muốn dừng chân ở lại đây, nên ông cho chuyển bức tượng vào gần động Triều Âm ở trên đảo cho một ngư dân họ Trương thờ cúng. Sau đó lại dựng lên một ngôi chùa gọi lại Quan Âm Bất Khẳng Khứ, tức là Quan Âm không muốn đi. Và ngay sau khi đó, thuyền của ông có thể thuận buồm xuôi gió về Nhật Bản. Từ đó trở đi các thuyền bè khi qua vùng biển này đều thuận buồn xuôi gió, mặc dù sóng biển ở đây rất dữ dội. Phổ Đà Sơn trở thành đạo trường thờ Quan Thế Âm Bồ Tát với nhiều sự linh thiêng nhiệm màu.

Chùa Quán Âm Bất Khẳng Khứ

          Những câu chuyện kể về sự màu nhiệm và ứng hiện của Quán Thế Âm Bồ Tát là rất nhiều nhưng có lẽ ai cũng sẽ nhớ và hằn sâu trong tâm thức với câu chuyện có thực khi Quân xâm Lược Nhật Bản đánh chiêm vùng đất này.

          Theo sử sách ghi lại rằng, đã từng có lần Phật Quang núi Phổ Đà đuổi quân Nhật xâm lược tháo chạy. Câu chuyện xảy ra vào tháng 7 năm 1944, giai đoạn cuối thời chiến tranh chống Nhật, khoảng 8.000 quân Nhật Bản đổ bộ lên núi Phổ Đà. Đám lính làm trại ở bãi biển, phá hoại di tích, quấy rối người dân, giết mổ gia súc, tạo một đại họa nơi thánh địa Phật giáo này. Những người dân không chịu nổi phải trốn vào trong chùa. Vào một buổi tối, những đài hoa sen ở xa trên biển bỗng lấp lánh ánh đèn. Quân Nhật tưởng tàu chiến quân Mỹ tập kích vội dùng đèn thăm dò quét qua mặt biển nhưng không thấy gì. Một lúc sau, đèn đuốc trên biển ngày càng nhiều, nằm rải rác khắp mặt biển. Quân Nhật nghi hạm đội Thái Bình Dương của quân Mỹ tấn công, liền cho bắn đại bác tới tập, tiếng đại bác làm chấn động khắp khu đảo, thế nhưng quân địch không có phản ứng gì. Đèn đuốc theo thủy chiều cuồn cuộn dâng đến, chiếu rõ mặt người trên bờ, nhưng không vào bờ. Lúc này Quân Nhật tin vì mình làm rối loạn núi Phổ Đà, đắc tội với Quan Thế Âm Bồ Tát nên đã quỳ rạp trên bờ biển rập đầu cầu xin Bồ Tát tha tội. Sau đó hốt hoảng tháo chạy khỏi đất Phật. Mọi người khi đó đều nhận thấy đây là do Bồ Tát phù hộ.

          Ngày nay ngôi chùa Quan Âm Bất Khẳng Khứ vẫn nằm nguyên tại vị trí ban đầu nhưng đã trược trùng tu lại nhiều lần. Đi dọc theo hành lang của chùa Quán Âm Bất Khẳng Khứ ta còn được chiêm bái các bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá với nhiều hình dáng khác nhau. Phía trên khi bước qua cổng tam quan ta sẽ gặp ngôi chùa Tử Trúc cổ kính.

           Đến với Phổ Đà Sơn, du khách thập phương còn có dịp chiêm bái rất nhiều nhưng ngôi chùa khác nhau nhưng có lẽ đặc trưng nhất sau chùa Quan Âm Bất Khẳng Khứ và chùa Tử Trúc đó là chùa Phổ Tế. Chùa Phổ Tế (Phổ Tế Tự) có pho tượng thờ Đại Tượng Phu Quán Thế Âm Bồ Tát. gọi là Đại Tượng Phu vì tượng có hình tướng nam trang. Vào thời ấy phụ nữ không muốn để tượng Phật Nam giới trong nhà nên sau đó đổi ra hình nữ. Hơn một ngàn năm về trước tại đây chỉ là một am nhỏ lợp mái tranh của Phổ Tế Đại Sư, nhưng do đức độ của Phổ Tế Đại Sư được nhiều người mến mộ. Tiếng lành đồn xa, rất nhiều phật tử thập phương đã đem lễ vật đến cúng. Có một thương gia họ Mã, cùng với một đứa con trai, đem một cặp đèn sáp lớn đến cúng và cầu xin chư phật phù hộ để kiếm được nhiều tiền. Bất ngờ không rõ lý do, cặp đền sáp đó được đem cất đi trước khi cháy hết. Người thương gia buồn và nghĩ rằng chùa đã lấy cặp đèn cất đi để bán lại cho những phật tử khác, nên ông đã đưa con trở về. Trên đường đi thì đứa bé đã bị chết dọc đường. Người thương gia bèn mua quan tài để đêm thi hài con về quê an táng. Nào ngờ khi về đến nhà thì đứa con trai đó lại chạy ra đón cha. Ông ta lập tức cho cạy nắp quan tài ra thì thấy cặp đèn sáp cháy dở dang nằm gọn trong quan tài. Hối hận về suy nghĩ bất tín của mình ông ta bèn cúng một số tiền lớn để xây cất một ngôi chùa lớn hơn với tên Pháp Giới Tràng Sanh. Ngôi chùa hiện nay là do vua Khang Hy xây dựng lại.

Đầm liên trì phía trước chùa Phổ Tế

          Ngoài ra, khi đến Phổ Đà Sơn, các quý phật tử sẽ được chiêm bái, đảnh lễ tại bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đồng, cao 18m (tính cả chiều cao đế tượng là 33m) tại đỉnh núi cao nhất của Phổ Đà Sơn. Do sợ gió biển làm hư hỏng lớp đồng nên tượng đã được tráng phủ một lớp vàng dày khoảng 4mm với hy vọng giữ được màu vàng mãi mãi.

Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đồng dát vàng

          Theo ghi chép lại rằng, khi lế khánh thành bức tượng vàng đồng Nam Hải Quan Âm vào ngày 29/9 năm 1997 (âm lịch), trên không trung mây đen dày đặc, trời mưa tầm tã. Khi đại lão hòa thượng Diệu Thiện tuyên bố khai quang tượng Phật, bỗng dưng mây tan, vầng dương tỏa chiếu.

          Phía trước và hai bên tượng đại là 4 bức tượng hộ pháp bằng đá cao lớn với mặt mũi, áo mão được chạm trổ sắc sảo tinh vi và từ đó lên đến đỉnh đầu tượng là 32m. Kích thước này tượng trưng cho 32 tướng hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, cũng như chiều cao 18m của tượng đồng tượng trưng cho 18 A la hán.


Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát và tượng hộ pháp xung quanh

          Phổ Đà Sơn còn rất nhiều ngôi chùa linh thiên và cổ kính nữa, mà nếu dành thời gian đi hết tất thảy các ngôi chùa tại đạo tràng của Quán Thế Âm Bồ Tát chắc hẳn sẽ mất vài tháng, hoặc có thể cả năm trời. Và thời gian có hạn nên chúng tôi xin khép lại phần này và chia sẻ thêm vào những bài viết sau về Phổ Đà Sơn.  

(tobe continued)

 

 

 

 

Viết bình luận
VN EN