Vòng Quanh Thế Giới

10 cố đô châu Á hút hồn du khách

24/09/2019 Bởi:Admin
10 cố đô châu Á hút hồn du khách

Hàng Châu, Huế, Agra, Kyoto có những công trình kiến trúc trường tồn với thời gian, là điểm đến yêu thích của khách du lịch năm châu.

Cố đô Persepolis (515-331 TCN) - Iran: Đây là kinh đô của đế quốc Ba Tư dưới thời nhà Achaemenes (còn gọi là nhà Achaemenid). Ngày nay, Persepolis nằm cách thành phố Shiraz của tỉnh Fars khoảng 70 km về phía đông bắc, có nhiều công trình nguy nga, tráng lệ được điêu khắc tinh xảo bằng đá. Nổi bật hơn cả là cung điện Apadana. Đại công trình này được xây dựng năm 515 TCN với chiều dài 460 m, rộng 300 m.

Cố đô một thời oanh liệt giờ chỉ còn sót lại những cột đá ngạo nghễ, thách thức thời gian, những trụ đá cổng chào chạm khắc sắc sảo, những bức tường điêu khắc sống động... phô diễn tài năng của người thợ thủ công Ba Tư cổ đại. Ngoài tham quan các kiến trúc cổ ở Persepolis, du khách còn có thể tìm hiểu văn hóa thông qua các nghi lễ cúng tế thần linh và các lễ hội mang tính chất cộng đồng được tổ chức hàng năm tại đây. Ảnh: Những Bước Chân.

Kyoto (794-1868) ở Nhật Bản: Kyoto từng là kinh đô của đất nước mặt trời mọc từ năm 794 và trải dài đến tận năm 1868, trước khi vua Minh Trị dời đô về Tokyo. Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2,những ngôi đền từ hàng trăm năm trước vẫn còn đứng vững, những cung điện hoàng gia, những khu vườn thượng uyển, các khu vườn hoàng gia cũng không bị phá hủy. Đây là thành phố thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài khi muốn tìm hiểu văn hóa Nhật cổ xưa. Ảnh: Jetsetterreport.

Angkor Thom (802-1431) ở Campuchia: Angkor Thom có nghĩa là “thành phố vĩ đại”, được vua Jayavarvan VII xây dựng sau kỳ quan Angkor Wat gần 100 năm. Angkor Thom được bao quanh bằng tường đá và kênh đào dài 3 km mỗi cạnh, là kinh đô cuối cùng của đế chế Angkor. Đã ngót một nghìn năm trôi qua, các công trình kiến trúc cđã bị chiến tranh và thiên nhiên tàn phá. Tuy nhiên cố đô  với những bức tượng Bayon huyền bí vẫn luôn hấp dẫn khách du lịch tìm hiểu và khám phá khi đến Campuchia. Ảnh:Những Bước Chân.

Polonnaruwa (1055-1284) ở Sri Lanka: Polonnaruwa là kinh đô cổ, đồng thời là một trung tâm trong tam giác văn hóa của Sri Lanka (gồm 3 thành phố cổ Polonnaruwa, Sigiriya, Anuradhapura). Khi vua Parakramabahu I của người Sihalese lật đổ triều đại Chola vào năm 1070, ông đã biến Polonnaruwa thành thủ đô, bắt đầu thời kỳ phát triển thành phố này. Ông cho xây các ngôi đền, dinh thự khổng lồ, công viên, hồ sen và đào một hồ chứa nước rộng 2.400 ha vẫn còn hiện hữu cho đến ngày nay.

Khi Nissanka Malla lên ngôi kế vị, ông còn phóng tay hơn trong việc xây dựng Polonnaruwa. Nơi đây có nhiều tượng đá Đức Phật khổng lồ miêu tả những điển tích trong cuộc đời của Ngài. Phật giáo đã xuất hiện tại Sri Lanka hơn 2000 năm và có giai thoại nói rằng Đức Phật đã từng đến đảo quốc này ba lần. Ảnh: Những Bước Chân.

Hàng Châu (1127-1279) ở Trung Quốc: Từ thời nhà Hạ đến thời Xuân Thu, Hàng Châu là đất của nước Việt ở thời Tần. Nơi đây từng là kinh đô các vương triều trong 153 năm. Đến thời Bắc Tống, Hàng Châu là vùng đất đẹp nổi tiếng thời bấy giờ. Đến thời Nam Tống, thành phố đã phát triển thành một thành phố ven biển đông nam. Hiện nay trong khu vực nội thành có nhiều công trình kiến trúc như những cung điện, nhà thủy tạ, đình đài, lầu các, hoa viên huy hoàng. Hàng Châu nổi tiếng vì có Tây Hồ với 40 danh lam thắng cảnh xung quanh. Ngoài việc thưởng ngoạn các cảnh đẹp hiếm có, khách du lịch còn mê đắm những sản phẩm truyền thống nơi đây như lụa tơ tằm, trà Long Tĩnh… Ảnh: Somengba.

Sukhothai (1238-1438) - Thái Lan: Sukhothai là thủ đô đầu tiên của nước Xiêm (1238-1257). Vị vua đầu tiên Phokhun Si Intharathit đã sáng lập ra triều đại Ruang Phra. Suốt 120 năm sau đó, Sukhothai được cai trị bởi nhiều vị vua, nhưng được ghi nhớ nhất là Ramkhamhaeng đại đế, người sáng tạo ra bảng chữ cái Thái Lan và đặt nên nền tảng vững chắc cho chế độ quân chủ, tôn Phật giáo thành quốc giáo… Phong cảnh nơi đây trở thành điểm du lịch lý tưởng, giúp du khách hiểu hơn về văn hóa, lịch sử phong phú của vương quốc Thái Lan, với các điểm du lịch hấp dẫn như đền Hoàng gia Wat Mahathat, Phật đường, bảo tàng quốc gia Ramkhamhaeng và các thành lũy, kênh đào… Ảnh: Ja.best-wallpaper.

Agra (1526-1658) ở Ấn Độ: Agra là một thành phố bên bờ sông Tamuna của Ấn Độ, do vua Sikandar Lodi thành lập năm 1506. Hiện nay, thành phố này thuộc về bang Uttar Pradesh. Đây là thủ đô của đế quốc Mogul từ 1526 đến 1658 với các công trình kiến trúc được đánh giá cao về mặt nghệ thuật.

Agra ngày nay là một điểm đến không thể thiếu của du khách khi thăm đất nước Ấn Độ, với các di sản thế giới tuyệt đẹp được xây dựng từ thời Mugul là Taj Mahal, pháo đài Agra và Fatehpur Sikri. Lâu đài Taj Mahal còn được khách du lịch trên toàn thế giới bầu chọn là 1 trong bảy kỳ quan thế giới mới do con người tạo ra. Ảnh: Những Bước Chân.

Mandalay (1859-1885) ở Myanmar: Mandalay theo tiếng Phạn là “thành phố của những viên ngọc”, là thủ đô cuối cùng của các triều đại vua ở Myanmar. Thủ đô Mandalay được vua Mindon của triều đại Konbaung thành lập sau khi ông ra lệnh dời đô từ Amarapura. Là một vị đế vương rất sùng đạo Phật, ông đã biến Mandalay thành trung tâm Phật giáo của Myanmar với những ngôi chùa và tu viện rộng lớn và được trang trí điêu khắc một cách tỉ mỉ và chu đáo. Thành phố ngày nay còn gìn giữ nhưng công trình kiến trúc Phật giáo tuyệt đẹp, và là địa điểm thu hút khách du lịch đến với Myanmar cùng với các cố đô khác là Yagoon và Bagan. Ảnh: Những Bước Chân.

Cố đô Huế (1802-1945) ở Việt Nam: Huế là kinh đô của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Năm 1802, sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế mở đầu cho nhà Nguyễn, ông cho xây dựng hàng loạt các công trình như cung điện, lăng tẩm, đền đài, chùa chiềng… Huế kết thúc sứ mệnh là thủ đô Việt Nam vào năm 1945 khi vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị. Kể từ đó thủ đô Việt Nam một lần nữa lại được chọn là Hà Nội. Kinh đô Huế xưa giờ đây đã trở thành cố đô. Ngày nay, Huế còn lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể tầm cỡ thế giới và là điểm du lịch nổi bật ở miền Trung Việt Nam. Ảnh: Những Bước Chân.

Yogyakarta (1946-1948) ở Indonesia: Nằm trên đảo Java, Yogyakarta từng là thủ đô của đất nước vạn đảo trong thời kỳ Cách mạng quốc gia Indonesia (1945-1949). Ngày nay, Yogyakarta được xem là trung tâm văn hóa và nghệ thuật truyền thống Java. Yogyakarta nổi tiếng với những điểm tham quan hấp dẫn như kỳ quan Phật giáo Borobudur, lâu đài nước Taman Sari, nghệ thuật Batik luôn làm say đắm du khách khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Windowseatgirl.

Những Bước Chân

Viết bình luận
VN EN