Đến với cao nguyên đá Đồng Văn những ngày đầu xuân du khách không chỉ được thả mình vào không gian tươi mới của núi rừng, mà còn có cơ hội tham gia lễ hội độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số - lễ hội chọi dê.
Lễ hội chọi dê thường được tổ chức vào mùa xuân, gắn liền với những lễ hội truyền thống như lễ Gầu Tào, lễ Lồng Tồng của người Mông… và thường được tổ chức ở các xã có truyền thống nuôi dê như xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng…
Trong suốt cuộc mưu sinh trên núi cao, con dê luôn là con vật giúp đồng bào thoát nghèo, làm giàu. Con dê dễ nuôi, dễ chăn thả và phù hợp với địa bàn sống của cư dân nơi đây. Vì thế, hội chọi dê hằng năm là dịp để khẳng định thành quả lao động của đồng bào sau một năm lao động vất vả. Đây cũng là dịp để đồng bào chia sẻ với nhau kinh nghiệm chăn nuôi dê và gia súc để mùa sau có được thành quả lớn hơn.
Lễ hội còn là dịp để đồng bào các dân tộc nơi đây thể hiện tinh thần đoàn kết khi họ cùng nhau sinh sống trên một địa bàn, một rẻo đất.
Hội thi chào đón sự hiện diện của mùa xuân ấm áp, mừng một năm no ấm về với từng bản làng, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà khỏe mạnh. Năm nay, năm Ất Mùi, hội chọi dê của đồng bào càng thêm náo nức và ý nghĩa…
Để chuẩn bị cho giải đấu chủ dê đã phải chăm chút cho những con dê của mình suốt một năm, những con dê được chọn phải có tuổi đời 3 năm trở lên, thể lực tốt, thân hình lực lưỡng, có râu dài, sừng cao, giống tốt nhất và phải có nguồn gốc rõ ràng, sống tại địa phương và được các cán bộ thú y thẩm định kĩ lưỡng tuyệt đối không mang dịch bệnh. Từ đó, người dân sẽ chọn ra những con dê to khỏe và đẹp nhất làm con đầu đàn có vai trò bảo vệ đàn dê, duy trì nòi giống.
Trước khi vào trận đấu, mỗi “đấu sĩ” dê đều có số báo danh, tham gia thi đấu ở các hạng cân và theo thể thức loại trực tiếp, để chọn chú dê khoẻ nhất vào chung kết.
Không quá mạnh mẽ như những cuộc trọi trâu, quyết liệt như những trận đấu ngựa, chọi dê có vẻ nhẹ nhàng nhưng không kém phần hấp dẫn. Những chú dê với những cặp sừng dài và nhọn đang đấu những cú nổ lửa. Tiếng lách cách của những cặp sừng dê va vào nhau sau mỗi pha giao đấu khiến cho người xem hò reo không ngớt. Những miếng hiểm như kẹp sừng, bẻ sừng, kẹp chân, quật ngã của những chú dê làm nóng không gian xới đấu. Một điểm đặc biệt ở những trận chọi dê đó là khả năng bị thương của những chú dê là rất thấp, vì vậy nó càng làm cho không khí hội thi thêm vui vẻ và sôi động hơn.