Nếu đi du lịch Nhật Bản, bạn hãy thử để ý, người Nhật thường đeo khẩu trang mỗi khi ra đường. Dù đi trên phố, bước vào cửa hàng, ngồi tàu điện ngầm hay dạo chơi trong các khu vực giải trí ngoài trời, bạn đều có thể bắt gặp hình đó. Vì sao người Nhật lại phải làm như vậy? Hãy cùng Du lịch Việt Phong tìm hiểu nhé.
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Vệ sinh Công nghiệp Nhật Bản, số lượng khẩu trang hiện nay của Nhật tăng 20% so với cùng kỳ năm 2015, đạt mức kỷ lục là 4,9 tỷ chiếc. Vậy lý do nào khiến Nhật Bản trở thành nước có ngành sản xuất khẩu trang “bội thu” đến như vậy?
Phòng bệnh, tránh bụi
Mùa xuân là mùa người dân Nhật Bản sử dụng khẩu trang “thịnh hành” nhất. Bởi lẽ đây là thời điểm dễ gây ra bệnh cảm cúm. Người bị cảm cúm mang khẩu trang là để tránh việc phán tán bệnh của mình ra môi trường xung quanh, thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ sức khỏe đối với người khác cũng như ngăn chặn vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào cơ thể mình. Bên cạnh đó, một số người sử dụng khẩu trang như trợ thủ đắc lực chống lại căn bệnh dị ứng phấn hoa của mình. Vào mùa đông, người Nhật đeo khâu trang để giữ ấm cho mặt.
Culture Trip đánh giá sản xuất khẩu trang y tế đã nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp triệu đô tại Nhật Bản. Khẩu trang dùng một lần xuất hiện trên thị trường Nhật Bản vào năm 2003. Không sử dụng chất liệu từ vải truyền thống, khẩu trang thế hệ mới rẻ và tiện dụng hơn. Chất liệu không dệt được các công ty quảng cáo là có tác dụng tạo một lớp chắn phấn hoa và những yếu tố gây dị ứng khác, ngăn lây nhiễm cảm cúm.
Nghiện đeo khẩu trang: Căn bệnh của thời đại
Không chỉ đeo khẩu trang để chống bụi, chống nắng, người Nhật “nghiện” đeo khẩu trang còn vì vấn đề tâm lý. Thực tế cho thấy người Nhật sử dụng khẩu trang mỗi ngày mỗi giờ kể cả ở trong phòng làm việc.
Khi bản thân đang chuyển động giữa một thế giới hiện đại rộng lớn, thì 20 centimet vuông được bao phủ bởi chiếc khẩu trang trên mặt có thể coi như một không gian riêng tư tách bạch giữa cái “tôi” và thế giới bên ngoài: “Tôi không muốn người khác nhìn mình”, “Tôi không muốn người khác thấy cảm xúc của mình”, “Tôi không muốn người lạ bắt chuyện với mình”, “Tôi không muốn ngửi thấy mùi lạ khi đi giữa đám đông”. Tất cả đều cho thấy người Nhật đang muốn bảo toàn sự riêng tư cho chính bản thân mình.
Theo ông Yuzo Kikumoto, một chuyên gia tâm lí người Nhật, hiện tượng “phụ thuộc khẩu trang” bắt nguồn từ cảm giác thiếu an toàn ở nơi công cộng, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển ngày càng mạnh mẽ. Trong công sở, nhiều người bắt đầu sử dụng chiếc khẩu trang như một cái cớ để tránh xa các hoạt động tập thể như đi ăn trưa, nhậu nhẹt buổi tối hoặc thậm chí là tám chuyện với đồng nghiệp. Chiếc khẩu trang như một vật cản làm tâm lý người đối diện khó mở miệng bắt chuyện hơn.
Thật không ngờ việc mang khẩu trang lại trở thành thói quen thường ngày của người dân Nhật. Có thể nói ở Nhật, đây là vật phẩm bán chạy nhất trong các cửa hàng, siêu thị. Họ coi khẩu trang là vật bất li thân không thể thiếu mỗi khi đi ra đường. Bệnh cúm có lẽ chỉ là một lí do nhất thời, chủ yếu là vì muốn bảo vệ khuôn mặt của mình, tránh sự để ý của mọi người xung quanh và đặt quyền riêng tư lên hàng đầu.