"Khi công dân gọi đến số này, điện thoại viên Viettel trực 24/7 sẽ trả lời những câu hỏi đơn giản. Những vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu sẽ được kết nối đến 4 số máy bảo hộ công dân vốn vẫn hoạt động từ lâu của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao", Cục trưởng Nguyễn Hữu Tráng cho biết tại buổi lễ khai trương tổng đài đường dây nóng khi công dân Việt gặp rắc rối ở nước ngoài hôm nay.
Ông Tráng cho biết, những vấn đề của công dân ở nước ngoài mà không thể giải đáp và giải quyết ngay trong một cuộc gọi sẽ được xử lý theo quy trình: ghi âm cuộc gọi, chuyển yêu cầu đến để Cục Lãnh sự hướng dẫn hoặc liên hệ qua điện thoại, email hoặc địa chỉ mà công dân cung cấp, yêu cầu đại sứ quán hoặc lãnh sự quán ở địa bàn liên hệ với công dân, cán bộ lãnh sự phải liên hệ hoặc gặp trực tiếp công dân để giải quyết vấn đề giúp họ.
"Đây là số điện thoại cho các trường hợp khẩn cấp chứ không phải tổng đài giải đáp về thủ tục lãnh sự", ông Nguyễn Hữu Tráng lưu ý.
Đường dây nóng bảo hộ công dân Việt này là một bước tiến trước khi Bộ Ngoại giao tiếp tục nghiên cứu thành lập trung tâm xử lý khủng hoảng trong công tác bảo hộ công dân trong các trường hợp khẩn cấp, cần huy động nhiều cơ quan tham gia như thiên tai, chiến tranh, tai nạn máy bay...
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, thì khẳng định "đây là số điện thoại công dân Việt Nam ra nước ngoài cần ghi nhớ".
Ông Dũng cho biết công dân từ nước ngoài gọi về số này sẽ tính cước phí bình thường như gọi về các số điện thoại Việt Nam khác: "Cước phí này là trả cho mạng nước ngoài chứ không phải cho Viettel. Nếu Chính phủ có phương án miễn phí thì phải đàm phán với đối tác nước ngoài, sẽ phức tạp hơn. Nhưng giá cước quốc tế gọi về Việt Nam rất rẻ, ở Mỹ chỉ vài cent/phút, nên cũng không có vấn đề gì lắm".
Đại diện Viettel cũng cho biết khi cả nước thực hiện thay đổi đầu số cố định theo quy hoạch vào tháng 3 tới, số này cũng thay đổi nhưng Viettel sẽ truyền thông để người dân nắm được thông tin. Năng lực tổng đài hiện tại có thể đáp ứng trên 1.500 cuộc gọi một ngày và có thể mở rộng nhanh chóng khi có yêu cầu.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Hiện có khoảng 5 triệu Việt kiều trên khắp thế giới, trên 500 nghìn người lao động ở nước ngoài, hơn 100 nghìn du học sinh, trên 200 ngàn cô dâu Việt Nam ở nước ngoài, cũng như số lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng, ngư dân đánh cá bên ngoài những ngư trường truyền thống cũng rất nhiều..., do đó nhu cầu về bảo hộ công dân ngày càng lớn.
"Công dân ta ra nước ngoài chắc chắn có nhiều vấn đề cần tư vấn, hướng dẫn. Tổng đài này phải giúp họ liên lạc nhanh chóng, điều rất quan trọng trong thời đại thông tin, để giải quyết nhanh tất cả những vấn đề mà họ gặp phải. Đội ngũ điện thoại viên phải có kiến thức cơ bản về bảo hộ công dân. Khi kết nối với Cục Lãnh sự thì phải có cán bộ trực tiếp trả lời các yêu cầu của công dân ở nước ngoài", ông Phạm Bình Minh nhắc nhở.