Tháng 10 - mùa nước nổi - đặc sản ở miền Tây. Nếu từ Hà Nội, chỉ sau 2 tiếng, du khách đã đặt chân lên mảnh đất Tây Đô để bắt đầu hành trình khám phá các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Từ trên máy bay nhìn xuống, khách sẽ thấy nước bao quanh và phủ ngập những cánh đồng, những ngôi nhà, đường sá... nước uốn lượn, mê mải chảy dài theo vùng đất phía Nam tận cùng tổ quốc.
Chuyến đi bắt đầu từ Cần Thơ, trạm trung chuyển để đưa khách đi vào sâu hơn. Nếu mảnh đất thủ phủ miền Tây này nổi tiếng với bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, du lịch miệt vườn... thì Bạc Liêu tự hào có nghệ thuật đờn ca tài tử, có tích công tử Bạc Liêu... Sóc Trăng hấp dẫn khách bằng hàng trăm ngôi chùa cổ.
Đặc biệt, Cà Mau - mảnh đất tận cùng đất nước, khiến ai cũng rưng rưng khi được đặt chân lên và chụp ảnh lưu niệm tại Mốc tọa độ quốc gia, Mũi tàu, Đài quan sát và trải nghiệm mô hình du lịch homestay thú vị.
Cùng khám phá vẻ đẹp miền Tây qua chùm ảnh:
Sáng sáng, tại chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), hơn 200 chiếc thuyền của bà con nông dân, tiểu thương “đi” chợ. Trước mỗi thuyền đều có cắm một chiếc cột. Cột treo loại quả, củ nào thì trên thuyền sẽ bán loại quả, củ đó.
Khách nên đi chợ nổi từ sớm, từ 5-7h sáng, mới thấy hết cảnh buôn bán diễn ra tấp nập trên sông thế nào.
Người dân thường bám theo tàu của du khách để mời chào các loại đặc sản của miền Tây như bưởi, dừa, chôm chôm, mận... gần như, tất cả đều được bán đồng giá 10.000 đồng/quả.
Du khách sẽ được biết đến lịch sử, văn hóa dân tộc Khmer khi tới tham quan bảo tàng Sóc Trăng. Trong ảnh là chiếc đèn nước, người Khmer thả xuống nước để xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giữ lại sự bình yên trong phum, sóc.
Chùa Kh’leng - một trong số hàng trăm ngôi chùa cổ ở Sóc Trăng - có tuổi thọ khoảng 500 năm. Chùa mang nét kiến trúc tiêu biểu của văn hóa Khmer.
Con trai thứ ba của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, ông Trần Trinh Đức, năm nay hơn 60 tuổi.
Nhà của công tử Bạc Liêu giờ còn lưu giữ nhiều vật dụng có giá trị, trở thành điểm tham quan thú vị.
Trong ảnh là chiếc giường ngủ của công tử, làm bằng gỗ sưa, tính theo giá hiện nay có giá trị lên tới 7 tỷ đồng.
Khu trưng bày về nghệ thuật đờn ca tài tử và tưởng niệm nghệ sỹ Cao Văn Lầu, tác giả bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng.
Những chiếc đàn mô phỏng được đặt trong khuôn viên khu tưởng niệm.
Tới Cà Mau, ngồi trên cano chạy khoảng 43km đường sông, hai bên là rừng đước, rừng tràm bạt ngàn, du khách sẽ tới vùng đất mũi tận cùng tổ quốc.
Thấy tiếng động lạ, những đàn cò ở vùng đất bãi bồi vỗ cánh bay lên
Du khách chụp ảnh kỷ niệm tại Mũi tàu. Con tàu mô phỏng này được đặt ở vùng đất cuối cùng của Tổ quốc, mũi Cà Mau.
Trèo lên đài quan sát, phóng tầm mắt ra xa là màu xanh ngút mắt của rừng cây thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ và trước mặt đê chắn sóng bằng bê tông dài 2km, giữ cho đất không bị xói lở.
Khách trải nghiệm mô hình du lịch homestay, khách cùng ăn, ở với nông dân vùng sông nước.
Các loại thức ăn được hái, đánh bắt từ tự nhiên: cá thòi lòi nướng muối ớt, ốc len xào dừa, vọp hấp, canh chua cá với các loại rau, bông trong vườn...
Khô cá dứa, khô cá lóc, tôm đất, tôm tích... đặc sản Cà Mau được du khách chọn mua về làm quà.
Ngọc Hà / Vietnamnet