Đường lên Hà Giang quanh co dốc đứng, xuyên qua biết bao núi rừng mà không biết đâu là điểm cuối.
Cảnh nối cảnh êm đềm, núi nối núi nhấp nhô, mây cũng nối theo mây mà bồng bềnh. Những con đường nối dài hun hút.
Giữa cái nắng hanh hao cuối thu, cúc dại nở nụ cười rạng rỡ nhất, trước khi đông sang, gió lạnh kéo về.
Đường lên Phó Bảng cheo leo, con đường vắt nơi lưng chừng kia, nơi không rõ sẽ có gì chờ ta phía sau những trái núi khiến nhiều người ngại ngần.
Người H’Mông hàng ngày phải gùi những gùi đất từ rất xa mang về chèn vào từng hốc đá để giữ cho nước mưa không trôi mất đất, rồi gieo hạt ngô giống. Những thân cây ngô xanh vươn mình trong những lớp đá xám như cuộc sống vẫn trỗi dậy nơi mảnh đất cằn này mỗi ngày.
Chỉ có nắng nhảy nhót từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Chỉ có bóng núi nghiêng theo bóng nắng, khi thì đổ về sườn bên này, lúc lại nghiêng sang phía bên kia. Con đường nhìn từ xa, khi có ánh nắng chiếu thì rạng rỡ, lấp lánh, khi khuất bóng nắng bỗng xám xịt, im lìm và lạnh lẽo vô chừng.
Đường lên cột cờ Lũng Cú, cực Bắc của Tổ quốc với con dốc cua tay áo nổi tiếng.
Bước chân vào con đèo huyền thoại Mã Phì Lèng. Con đèo dài khoảng 20 km, chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô xô trùng trùng điệp điệp. Những ngọn núi màu xám chì, hùng vĩ nối nhau đến tận chân trời.
Từ trên đèo Mã Phì Lèng có thể nhìn thấy dòng sông Nho Quế và con đường đi xuống dòng sông tuyệt đẹp.
Ai đã từng đi qua Mèo Vạc về Yên Minh cũng sẽ dừng lại để chụp lại con đèo kỳ vĩ này.
Lam Linh