Chẳng ai có thể ngờ rằng các em nhỏ độ 6 tuổi ở Tây Phi đang phải thực hiện một hủ tục đầy đau đớn xót xa mang tên “đánh dấu tuổi trưởng thành”. Để lại sau đó là tiếng khóc thét khi phải chịu từng nhát khứa dài, sâu lên mặt. Trong những ánh mắt thơ ngây ngấn lệ, đây quả là nỗi ám ảnh mà người Tây Phi vẫn một mực tự hào coi đó là biểu tượng của cái đẹp, của lòng can đảm sắt thép.
Hủ tục khắc dấu hay nói nôm na là “rạch mặt” là tục lệ từ rất lâu đời. Xuất phát điểm từ nỗi lo sợ của những thổ dân Nigieria-Tây Phi, việc rạch thân để tạo những vết sẹo trên mặt và cơ thể như một hình thức đánh dấu chủ quyền. Họ tin rằng, nếu một ngày nào đó mà bị xâm lược, nhờ vết sẹo này, họ sẽ không bị bắt làm nô lệ và sẽ nhận ra nhau, vì mỗi một gia đình sẽ có một kí hiệu riêng ở trên đó. Mặt khác, người dân ở đây cho rằng, việc rạch thân cũng giống như một loại nghệ thuật. Những vết sẹo khắp mặt và cơ thể tựa như những đường “trang trí” mà nhờ chúng, trông họ sẽ đẹp hơn và mạnh mẽ hơn.
Đến nay, hủ tục này vẫn còn tồn tại ở những bộ tộc ít người tại châu Phi. Và đây chính là cách để người ta đánh dấu tuổi trưởng thành của những đứa trẻ, thậm chí được coi là hình thức làm đẹp, đồng thời khẳng định đó là thành viên của bộ tộc qua những đường nét đặc trưng riêng biệt trên gương mặt họ.
Những vết rạch đánh dấu này được tạo ra từ những vật thể sắc nhọn như: dao, đá mài, thủy tinh. Với những dụng cụ đó, họ có thể “sáng tạo” những đường nét trên khuôn mặt theo như mong muốn và tục lệ bộ lạc quy định. Vết cắt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi gia đình, dòng họ. Những vết sẹo như những hình xăm ấy chính là điểm đặc trưng truyền thống của từng gia đình, mang nhiều hình thù khác với những ý nghĩa khác nhau.
Như người dân quốc tại Papua New Guinea, họ thường khắc lên da những hình xăm tựa như vảy cá sấu, tạo thành những vết hằn dài gợn sóng, khiến người ta liên tưởng tới bộ da của loài bò sát. Đối với họ, đây chính là đặc điểm thể hiện sự mạnh mẽ, rắn rỏi của bộ tộc.
Một bộ lạc khác ở Bennin, Tây Phi thì tin rằng vệt sẹo trên mặt những đứa trẻ là cầu nối gắn kết với tổ tiên. Sau khi kết thúc buổi lễ rạch cơ thể, những đứa trẻ này được đặt tên mới, tóc bị cạo đi và được đưa đến tu viện để thực hiện nghi lễ “giao tiếp” với tổ tiên. Tuy nhiên, ngày nay, tập tục này đang dần lụi tàn theo thời gian bởi sự lạc hậu, cổ hủ. Những người dân tại các thành phố lớn ở Benin cũng bắt đầu kì thị những ai có sẹo trên mặt.
Theo phong tục của bộ lạc Betamarribe ở Bénin, những người lớn tuổi, được gọi là Somba hoặc Tammari, nói rằng một đứa trẻ không có sẹo không phải là con người. Nếu đứa trẻ chết trước khi xăm mình sẽ không được chôn cất trong nghĩa trang của làng vì chúng không phải là người Betamarribe trong mắt tổ tiên.
Hiện nay, một số quốc gia Tây Phi đã cấm hủ tục này, bởi phần đông dân cư cũng cho rằng hành động rạch lên mặt hay cơ thể trẻ em được coi là man rợn và vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng. Không chỉ vậy, hầu hết các dụng cụ khắc dấu đều thô sơ và không được khử trùng rất có thể sẽ nhiễm trùng và ra các bệnh truyền nhiễm, HIV hay uốn ván. Nhận thức được sự hạn chế đó, người dân bắt đầu muốn thay đổi tập tục, thay vì phải xăm mình để bảo tồn văn hóa truyền thống, họ có thể gìn giữ trang phục, ngôn ngữ, các lễ hội hay tôn giáo.
Nhưng đâu đó trong tiềm thức của một số người dân thuộc bộ lạc ở Tây Phi, họ vẫn cho rằng những vết sẹo trên mặt là niềm tự hào khi được công nhận là thành viên của bộ lạc, còn những vết cắt trên lưng hay trên bụng thì thể hiện lòng cam trường, dũng cảm.
Một người phụ nữ đến từ quốc gia Burkina Faso chia sẻ với Joana Choumali - nhiếp ảnh gia của Nationnal Geographic: 'Khi tôi 10 tuổi, tôi đã yêu cầu bộ lạc thực hiện nghi lễ xăm hình cho mình. Tôi muốn được như anh chị em của mình và để chứng tỏ rằng tôi can đảm".
Qua những bức hình đen trắng của nhiếp ảnh gia người Mỹ Jean Michel Clajot, chúng ta phần nào cũng cảm nhận được sự khủng khiếp và man rợn của hủ tục “xăm hình” mà nhiều bộ lạc quan niệm là tập quán lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong ý thức văn hóa và xây dựng cộng đồng.