Đền Quán Thánh hay còn được biết với cái tên Đền Trấn Vũ là một trong bốn Thăng Long Tứ Trấn xưa kia. Đền được xây dựng vào thời nhà Lý, trong đền có tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ một trong bốn vị thần được lập đền thờ trong bốn trấn của kinh thành Thăng Long xưa.
Pho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ nằm trong đền Quán Thánh được đúc bằng đồng đen vào năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), đời Lê Hy Tông. Tượng cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn, tọa trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2m. Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản hiền hậu, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ ngồi trên bục đá với hai bàn chân để trần. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống trên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên. Rùa, rắn và kiếm là biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ.
Tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ trong đền Quán Thánh
Trấn Vũ là tên gọi tại Việt Nam của thần Chân Vũ, người Việt còn gọi là Trấn Võ, là một trong những vị thần được thờ phụng phổ biến tại Trung Quốc và các nước Á Đông. Vị thần này tượng trưng cho sao Bắc cực, và là một vị thần lớn của Đạo giáo thống trị phương Bắc, kiêm quản lý các loài thủy tộc nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần. Theo hầu Chân Vũ là hai tướng Quy, Xà, tượng trưng cho sự trường tồn và sức mạnh, và Ngũ long thần tướng.
Theo tín ngưỡng dân gian người Trung Quốc, tất cả vì sao đều di chuyển vị trí, riêng sao Bắc Cực là bất động, do đó được xem là ngôi sao tôn quý nhất. Do đó, họ đã thần thánh hóa ngôi sao này với chức vị "Bắc Đẩu Tinh quân", do một vị thần "Huyền Thiên Thượng Đế" trấn giữ.
Tượng Bắc Cực Huyền Thiên Thượng Đế tại Hồ Liên Trì, Tả Dinh, Cao Hùng, Đài Loan.
Tượng thần Chân Vũ thường được tạc thần đang ngồi, tay trái bắt quyết, tay phải chống lên thanh gươm. Thanh gươm chống lên lưng Rùa, có con rắn cuốn quanh. Trấn Vũ cũng là vị thần bảo trợ cho núi Vũ Đang ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Trấn Vũ cũng là thần bảo trợ của những người nói tiếng Mân Nam, đặc biệt những người nguyên quán Phúc Kiến.
Nguồn: Sưu tầm và tổng hợp