Vòng Quanh Thế Giới

Vẻ đẹp cổ kính và huyền bí của đất nước Myanmar

24/09/2019 Bởi:Admin
Vẻ đẹp cổ kính và huyền bí của đất nước Myanmar

Nằm ở phía tây bắc bán đảo Trung - Ấn, những năm gần đây, Myanmar được xem như là một điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế.

1. Nếu Campuchia được mệnh danh là "Đất nước chùa tháp" hay Thái Lan là "Đất nước chùa vàng", Myanmar được ưu ái đặt cho tên gọi là "Đất nước của những ngôi chùa". Có thể nói, đi đâu ở Myanmar bạn cũng có thể nhìn thấy chùa chiền, đền tháp.

2. Yangon là thủ đô cũ của Myanmar - một thành phố sôi động và đầy màu sắc. Đây luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Yangon thu hút du khách bởi có nhiều phong cảnh đẹp, món ăn ngon, nhiều ngôi chùa mang đậm kiến trúc châu Âu được xây dựng từ thời thuộc địa Anh.

3. Chùa Vàng (chùa Shwedagon) ở Yangon được xem là ngôi chùa linh thiêng nhất của Myanmar. Ngôi chùa có niên đại trên 2.600 tuổi, nổi tiếng vì toàn bộ tượng Phật tại chùa đều được dát vàng. Ngoài ra, chùa Vàng còn là nơi lưu giữ 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca - bảo vật linh thiêng của Phật giáo.

4. Bagan có tên cũ là Pagan, từng là kinh đô của vương quốc Pagan - vương triều đầu tiên thống nhất các miền đất tạo thành nước Myanmar ngày nay. Đối với người dân Myanmar, Bagan là niềm tự hào của họ, chính vì thế mới có câu nói: “Nếu bạn là người Myanmar thực sự, bạn phải đến Bagan”.

5. Điểm hấp dẫn nhất ở Bagan là bạn có thể khám phá hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ ở đây. Tuy nhiên, điều đặc biệt là tất cả đền chùa chỉ nằm trong diện tích 42 km2. Bạn nên thức dậy sớm, đạp xe đi ngắm cảnh mặt trời mọc, sau đó khám phá các đền, chùa trong thành phố. Bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh và chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp về thành phố này bằng khinh khí cầu

6. Cách Yangon 700 km về phía Bắc, Mandalay được coi là trung tâm Phật giáo quan trọng của Myanamar, do giữ được những nét nguyên thủy nhất. Đến đây, du khách có thể tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm những nét văn hóa, tâm linh, tôn giáo đặc sắc của đất nước Myanmar. Đến đây bạn không thể bỏ qua cầu gỗ U Bein. Đây là cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới, được làm từ phần gỗ còn sót lại của việc xây dựng các cung điện hoàng gia. Một gợi ý dành cho bạn là nên đến đây vào lúc hoàng hôn, tìm một chỗ ngồi ven hồ và ngắm cảnh mặt trời lặn.

7. Từ Mandalay, bạn có thể di chuyển bằng thuyền để khám phá làng Mingun, nơi có phế tích Pathodawgyi. Đây là ngôi chùa xây bằng gạch đỏ mà nếu hoàn thành sẽ là kiến trúc Phật giáo bằng gạch lớn nhất thế giới. Đuợc khởi công từ năm 1790 dưới thời vua Bodawpaya, tuy nhiên do người dân địa phương không chịu nổi gánh nặng về kinh tế của dự án nên họ lợi dụng sự mê tín của nhà vua và tạo ra một lời tiên tri “việc hoàn thành Pathodawgyi sẽ trùng với thời điểm sụp đổ của triều đại”. Công trình này cũng bị đã bị tạm dừng, và dở dang sau khi nhà vua qua đời năm 1813. Đến năm 1839, một trận động đất lớn đã khiến phần trên của chùa sụp xuống, nhưng ngày nay Mingun Pathodawgyi vẫn sừng sững với những vết nứt.

8. Hồ Inle là một trong những điểm đến độc đáo không nên bỏ qua. Inle (hay Inlay) trong tiếng Myanmar có nghĩa là hồ lớn, nằm ở vị trí trung tâm bang Shan, cách thành phố Taung-kyi, thủ phủ bang Shan khoảng 40 km về phía nam. Trong suy nghĩ của người dân Myanmar, hồ Inle là nơi đẹp nhất thế giới. Đến đây, bạn có thể vào ngôi làng Nyaungshwe để khám phá cuộc sống của người dân địa phương.

9. Quanh hồ Inle có cư dân của bộ lạc Kayan sinh sống. Phụ nữ của bộ lạc này nổi tiếng với tục lệ đeo những chiếc vòng đồng, khiến cho cổ của họ dài ra. Các bé gái Kayan bắt đầu đeo chiếc vòng đầu tiên khi lên 5 tuổi. Những chiếc vòng cổ sẽ được thêm vào trong suốt quá trình trưởng thành. Nhờ tục lệ này mà các bản của người Kayan thu hút rất đông du khách tới thăm quan.

10. Myanmar có đường bờ biển dài gần 2.000 km. Hầu hết bãi biển ở đây đều quay mặt về hướng tây, nên du khách tới đây thường được chiêm ngưỡng những cảnh hoàng hôn tuyệt diệu. Những bãi biển nổi tiếng nhất là Ngapali, Ngwesaung và Chaung Thar.

11. Phong tục tô mặt Thanakha là phong tục truyền thống được dùng trong những nghi lễ tôn giáo. Thanakha được chế biến chủ yếu từ loại cây thanakha ở Myanmar. Rễ và vỏ cây được lấy ra khỏi cây rồi đem ngâm trong nước, sau đó được giã và nghiền nhỏ bằng cối để trở thành một loại kem màu vàng, có hương thơm, được các cô gái sử dụng để tô lên mặt. Hiện nay, tục tô mặt vẫn còn tồn tại ở một số nơi, nhưng chủ yếu là trong những lễ hội truyền thống đặc biệt nhằm thu hút khách du lịch.

Nguồn Zing News

Theo Hà Mi / Traveltimes

Viết bình luận
VN EN