Tin tức hành hương

Ý nghĩa hoa văn trên cột đá ở đền Trần

24/09/2019 Bởi:Admin
Ý nghĩa hoa văn trên cột đá ở đền Trần

Mỗi cột đá trong ngôi đền Trần ở quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình đều có hoa văn được tạc, đẽo từ đá xanh nguyên khối và ứng với một ước nguyện.

Đền Trần nằm trong vũng lõi của quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Đền được xây dựng từ thời nhà Đinh, là một trong “Hoa Lư tứ trấn”, có tên gọi khác là Đền Nội Lâm (trong rừng).

Đền thờ Quý Minh Đại Vương là một trong ba anh em, đồng thời là ba vị tướng có công dẹp giặc dưới thời vua Hùng thứ 18, đã được phong thánh gồm Sơn Thánh Tản Vương và Cao Sơn Đại Vương.

Đền được xây dựng theo kiểu chữ nhị, gồm hai tòa liền nhau. Tòa tiền bái để trống, không cánh cửa, có hai hàng cột đá. Hàng cột thứ nhất gồm 4 cột, làm bằng đá xanh nguyên khối. Mặt ngoài của cột chạm nổi các hoa văn tinh xảo. Còn mặt hông trang trí bằng hai đôi câu đối được chạm khắc luôn vào thân cột.

 

Hàng cột thứ hai cũng làm bằng đá xanh nguyên khối. Hai cột ở ngoài cùng trang trí hình độc long chầu vào và các đề tài cách điệu. Hai cột ở giữa trang trí đôi câu đối.

Hình tượng rồng lối điêu khắc trên đá được thể hiện ở đền Trần vừa trau chuốt, vừa giản dị, linh hoạt, mang sắc thái đặc trưng.

Các hoa văn trên cột được chạm nổi với đề tài độc long, mây, sóng nước, cá chép hóa long, sư tử và hoa lá cách điệu... Nét chạm khắc rất tinh xảo, bay bổng và có tính thẩm mỹ cao.

Ông Dương Đình Thanh, người trông nom Đền cho biết : “Ngôi Đền vẫn giữ được 12 cột đá. Người xưa đã tạc, đẽo toàn bộ hoa văn này từ đá xanh nguyên khối lấy tại núi Nhồi (Thanh Hóa). Các mô típ hoa văn gồm bộ tứ linh với long, ly, quy, phượng. Đáng chú nhất ở đây là mỗi cột đá linh ứng với một ước nguyện".

Theo ông Thanh, cột thứ nhất bên phải đền về duy tâm là cầu công danh sự nghiệp, về duy vật là cầu cho quốc thái dân an. Cột thứ hai, về duy tâm là cầu tài lộc, duy vật là cầu mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng. Cột thứ ba cầu sức khỏe, còn ai đó muộn mạn tình duyên sinh còn một bề thì cầu ở cột số 4.

Bên trên tòa hậu cung có hai long cung. Bên trong long cung có tượng Quý Minh Đại Vương và phu nhân là Minh Hoa Công Chúa. Bức tượng Quý Minh Đại Vương được tạc ở tư thế ngồi trên bệ, mắt nhìn thẳng, chân chữ ngũ, đầu đội mũ quan. Tượng của Minh Hoa Công Chúa tạc ở tư thế ngồi, chân chữ ngũ, mặt hiền từ, mắt nhìn thẳng.

Lê Bích / Vnexpress

Viết bình luận
VN EN