Tin Tức Du Lịch

Ý nghĩa tượng mẹ Âu Cơ ở công viên biển Đông Đà Nẵng

24/09/2019 Bởi:Admin
Ý nghĩa tượng mẹ Âu Cơ ở công viên biển Đông Đà Nẵng

Ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có một đường phố rất đẹp chạy dọc theo bờ biển mang tên Hoàng Sa. Ngay điểm giao nhau giữa đường Hoàng Sa và đường Phạm Văn Đồng, cách cầu sông Hàn đúng 1km có một công viên nằm sát bên bờ biển được đặt tên là Biển Đông. Cũng ngay tại công viên này, ở một vị trí rất đẹp có dựng một bức tượng bằng đá trắng khá lạ mắt, với hai bầu vú no tròn, ấp trên một quả trứng to, được đặt trên bệ tượng hình hộp, ốp đá hoa cương đen, mỗi chiều khoảng 3 m. Điều lạ nữa là bức tượng lại không ghi tên tác phẩm cũng như tên tác giả. Hỏi chuyện một nhân viên bảo vệ ở công viên thì được anh cho biết, bức tượng dựng lên đã vài năm nay và mọi người đều gọi là “Mẹ Âu Cơ”, nhưng không hiểu sao chưa thấy khắc tên tác phẩm nên cũng đã có khá nhiều du khách thắc mắc hỏi.

May sao, trên Tạp chí Non Nước của Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng số 167-tháng 6-2011 có đăng bài “Đôi điều về tác phẩm Mẹ Âu Cơ” của tác giả Nguyễn Đình An, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã thông tin khá đầy đủ về tác giả và quá trình hình thành bức tượng này. Theo tác giả Nguyễn Đình An thì tác giả bức tượng là nhà điêu khắc Lê Công Thành, người gốc Đà Nẵng, hiện sống ở Hà Nội. Năm 2006, trong một chuyến vào Đà Nẵng, khi đứng ở bãi biển đầu đường Phạm Văn Đồng, ông đã lặng người đi và bảo đây là “huyệt đạo” không phải của riêng Đà Nẵng mà là của cả đất nước. Đầu năm 2007, ông về Đà Nẵng và quyết tâm dựng tượng Người mẹ và bọc trứng – Mẹ Âu Cơ ở thành phố quê hương. Ngày 8-5-2007, ông Thành gặp đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và trình bày ý tưởng dâng hiến “Mẹ Âu Cơ” cho thành phố quê hương mà không đòi hỏi bất cứ một điều gì, chỉ yêu cầu thành phố mấy điểm: đặt tượng ở đúng vị trí ông yêu cầu, không thay đổi, dù chỉ là một chút; đảm bảo cảnh quan cho tác phẩm, trước hết là một mặt bằng. Trên mặt bằng đó, thành phố cho xây một bệ tượng hình hộp bằng bê tông, ốp đá hoa cương đen (kích thước do ông định). Ông sẽ tự lo liệu việc tạo tác bức tượng và đúng ngày quy định sẽ cho chở tác phẩm đặt lên bệ tượng. Nếu thành phố không ưng thuận thì ông sẽ dời đi, không đòi hỏi bất cứ một sự đền bù nào. Như vậy là sẽ không có hội đồng nghệ thuật xét duyệt phác thảo, không có phê chuẩn thiết kế kỹ thuật, không có lễ khởi công và không có cả lễ khánh thành. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã chấp nhận và giao cho các cơ quan, doanh nghiệp liên quan thực hiện các yêu cầu của nhà điêu khắc. Tượng me Âu Cơ ở công viên Biển Đông Đà Nẵng

Nhà điêu khắc Lê Công Thành về ngay Hà Nội rồi bươn bả đi Nghệ An tìm mua ba khối đá trắng đúng như kích cỡ cần thiết, cho chở vào một địa điểm ở Đà Nẵng. Tại đây, ông dựng lán trại che kín bốn phía và huy động các nghệ nhân, thợ đá đục đẽo, bóc tách suốt ngày đêm. Tất cả mọi việc được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục: 45 ngày. Đúng nửa đêm 30-6-2007, các khối đá trắng tinh khôi được đặt đúng vị trí. Mẹ Âu Cơ hiển hiện uy nghi bên bờ biển Đông. Sáng sớm 1-7, những người Đà Nẵng đi tắm biển, tập thể dục, những người dân các làng chài xung quanh hết sức ngỡ ngàng. 7h30 phút sáng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đến chứng kiến sự hoàn công, bắt tay nhà điêu khắc, hai người đều im lặng. Sau đó mấy tháng, có lẽ thấy sự trống trải của không gian xung quanh bức tượng nên nhà điêu khắc cho đặt thêm hai hàng trụ đá trắng như hai đội tiêu binh ở hai bên bức tượng.

Tìm hiểu thêm được biết, ông Lê Công Thành sinh năm 1931, là nhà điêu khắc nổi tiếng, với nhiều bức tượng ngoài trời được dựng khắp đất nước. Ông cũng không bao giờ gọi thành tên các bức tượng của mình, chỉ khi bước ra đời sống, tự khắc người dân sẽ đặt tên cho chúng. Theo nhiều nhà phê bình nghệ thuật có uy tín thì “Mẹ Âu Cơ” là tác phẩm đẹp. Đẹp ở sự cô đọng về ý tưởng, hiện đại về hình thức trong một ngôn ngữ điêu khắc mang tính tượng trưng khúc chiết, tinh lọc…và đẹp trong sự hòa nhập không gian. Xuất hiện ở vị trí bên bờ biển Đông, “Mẹ Âu Cơ” đã biến toàn bộ không gian chung quanh như chỉ để dành riêng cho tác phẩm. Trong hình tượng người phụ nữ với bầu vú căng đầy, dáng nằm vững chãi, đầy sức sống, với dáng đầu ngẩng cao thanh thoát…tác phẩm “Mẹ Âu Cơ” của Lê Công Thành có thể nói là một tuyên ngôn đầy kiêu hãnh về con người. Không những vậy, tác phẩm còn có một ý nghĩa hết sức thiêng liêng khi khắc họa hình ảnh về Mẹ Âu Cơ-vị tổ tiên có vị trí rất lớn trong lịch sử dân tộc và trong tâm linh của con dân đất Việt.

Viết bình luận
VN EN