NSGN - Tư tưởng Phật giáo, mà nó xuất hiện hơn 2.000 năm trước ở những nền văn hóa Á châu, có những giả định mà theo những phương cách quan trọng chúng khác với tâm lý học hiện đại.
Phân nhánh đặc biệt của tư tưởng Phật giáo mà chúng tôi xem xét ở đây là Ấn Độ-Tây Tạng, một truyền thống có gốc rễ ở nơi tư tưởng Ấn Độ và được những lý thuyết gia Tây Tạng phát triển thêm. Nó là một tuyến tư tưởng có tuổi hơn một ngàn năm.
Mặc dù có những phương diện tư tưởng Phật giáo khác nhau đã ảnh hưởng đến một số nhà tâm lý học, những thách thức của nó cho việc nghiên cứu về cảm xúc lại không được biết rộng rãi. Ví dụ, một vài hội tụ mang tính gợi ý giữa tư tưởng Phật giáo và những khám phá ở trong sinh học thần kinh, cho thấy sự thành công của việc kết hợp một quan điểm Phật giáo vào trong việc nghiên cứu cảm xúc.
Các ngôn ngữ truyền thống của Phật giáo, chẳng hạn như Pāli, Sanskrit và Tây Tạng, không có từ đúng nguyên nghĩa với từ “cảm xúc” (emotion). Mặc dù khác với truyền thống nghiên cứu tâm lý học hiện đại mà nó phân tách cảm xúc như một tiến trình tâm thức riêng biệt có thể được nghiên cứu tách khỏi những tiến trình khác, sự thật rằng không có từ ngữ trong Phật giáo dành cho cảm xúc là phù hợp với những gì những nhà khoa học đã nghiên cứu về khoa giải phẫu não. Mỗi phần trong não mà nó được đồng nhất với một vài khía cạnh của cảm xúc thì cũng được đồng nhất với một vài khía cạnh của nhận thức (Davidson & Irwin, 1999). Mạch nuôi dưỡng sự xúc động và mạch nuôi dưỡng sự nhận thức là hoàn toàn quấn lấy nhau - một xếp đặt giải phẫu phù hợp với quan điểm Phật giáo là những tiến trình này không thể tách rời.
Chúng tôi đã chọn hai vấn đề, việc đạt lấy hạnh phúc lâu dài và bản chất của những cảm xúc đau khổ, để chứng minh sự hữu ích của việc xem xét quan điểm Phật giáo trong việc nghiên cứu về cảm xúc. Dựa vào vị thế được phép, chúng tôi trình bày những trường hợp minh họa của những lĩnh vực nghiên cứu, hơn là một thảo luận đầy đủ.
Bản tường thuật này là một nỗ lực cộng tác của các Phật tử (Matthieu Ricard và B. Alan Wallace) và những nhà tâm lý học (Paul Ekman và Richard J. Davidson). Tường thuật của chúng tôi khởi xuất từ một buổi gặp gỡ đặc biệt với Đức Dalai Lama ở Dharamsala, Ấn Độ - cuộc gặp gỡ tập trung bàn về những cảm xúc tiêu cực. Những tác giả Phật giáo đã viết những phần có tựa đề “Quan điểm Phật giáo” (The Buddhist View), còn những tác giả tâm lý học viết những phần về những chiều hướng và lý thuyết nghiên cứu.
Đạt hạnh phúc lâu dài
1- Quan điểm Phật giáo
Những Phật tử và những nhà tâm lý học cùng nghĩ rằng các cảm xúc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ, lời nói và hành động của con người và rằng, đôi khi, chúng giúp con người trong việc tìm kiếm những thú vui và thỏa mãn tạm thời. Tuy nhiên, từ một cái nhìn Phật giáo, một số cảm xúc thì có ích cho hạnh phúc chân thật và lâu dài và một số khác thì không. Một thuật ngữ Phật giáo chỉ cho hạnh phúc như vậy là sukha (lạc), mà nó có thể được xác định trong ngữ cảnh này như là một trạng thái tâm khỏe mạnh sanh khởi từ việc giữ tâm điềm tĩnh và thấu rõ bản chất thực tại. Khác với một cảm xúc hay một tâm trạng thoáng qua mà nó sanh khởi bởi sự kích thích giác quan và nhận thức, sukha là một trạng thái lâu dài mà nó xuất hiện từ một tâm thức ở trong một trạng thái cân bằng và tạo nên một sự hiểu biết không theo cấu trúc khái niệm về bản chất chân thật của thực tại. Nhiều thiền sư Phật giáo xác chứng là đã trải nghiệm sukha, điều phát triển như một kết quả của việc tu tập được duy trì liên tục.
Tương tự, khái niệm dukkha của Phật giáo, thường được dịch là “khổ”, không chỉ là một cảm giác không vui. Đúng hơn, nó đề cập một cách sâu sắc nhất đến tính chất dễ bị khổ đau do sự hiểu lầm bản chất thực tại. (Thuật ngữ sukha và duhkha là từ tiếng Sanskrit, một trong những ngôn ngữ chính của văn học Phật giáo).
Sukha được nhận biết như thế nào? Những Phật tử cho rằng việc thay đổi triệt để nhận thức cần thiết để nhận ra sukha có thể xảy ra bằng việc rèn luyện nhiếp tâm miên mật, giữ điềm tĩnh, và chánh niệm, để ta có thể học phân biệt giữa cách những sự vật khi chúng xuất hiện đến các giác quan và những thêm thắt khái niệm mà ta phóng chiếu vào chúng. Như là kết quả của việc rèn luyện này, ta nhận biết những gì trình hiện trước các giác quan, bao gồm những trạng thái tâm thức của chính ta, bằng một cách thức mà nó gần với bản chất thật của chúng hơn, không bị bóp méo bởi những phóng chiếu mà người ta thường nhầm lẫn là thực tại.
Việc rèn luyện như vậy có kết quả không chỉ ở trong việc thay đổi những cảm xúc thoáng qua mà cũng đưa đến những thay đổi ở nơi tâm trạng của ta và cuối cùng ngay cả những thay đổi ở nơi tính khí của ta. Hơn hai ngàn năm trước, những hành giả Phật giáo đã phát triển và thực nghiệm những phương cách rèn luyện những cảm xúc đó mà chúng đưa đến việc đạt lấy sukha và giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc mà chúng bất lợi cho việc chứng đạt này. Quan điểm ở đây không chỉ đạt lấy hạnh phúc cá nhân của riêng mình trong việc tách rời những thứ khác, mà bao gồm sự nhận thức về mối liên hệ mật thiết của ta với tất cả chúng sanh, những loài có chung khát khao thoát khỏi khổ đau và tìm kiếm một trạng thái hạnh phúc lâu dài.
2- Hai chiều hướng nghiên cứu
Chúng ta đã bắt đầu xem xét những hành giả Phật giáo có trải nghiệm sâu, những người đã đạt được sukha, xác định trạng thái đó có tự hiển lộ ở nơi hoạt động sinh học của họ hay không trong các phân đoạn cảm xúc hay làm tăng sự nhạy cảm đối với những cảm xúc của người khác, và xem cách thức tương tác của họ có thể chuyển đổi bản chất của những tương tác xung đột như thế nào. Sự nghiên cứu như vậy của những hành giả tinh thông nhất của Phật giáo có thể thay đổi quan niệm của tâm lý học về những gì ít nhất một số người có thể đạt được.
Phạm vi khả dĩ khác của việc nghiên cứu liên quan đến độ xác tín của việc tự tường thuật về những trạng thái tâm thần. Mặc dù nhiều nghiên cứu về cảm xúc đã cho rằng các chủ đề nghiên cứu và bệnh nhân của chúng ta trong tâm lý liệu pháp có thể sẵn sàng tường trình về kinh nghiệm chủ quan của họ thông qua những bảng câu hỏi và những phỏng vấn, những phát hiện đến nay cho thấy rằng hầu hết người ta chỉ tường thuật những trải nghiệm cảm xúc gần và mãnh liệt nhất của họ và khó tránh khỏi những thiên kiến. Nghiên cứu cũng xác quyết xem những người tu tập theo Phật giáo có thể đưa ra một báo cáo nguyên vẹn và đầy đủ hơn về trải nghiệm cảm xúc quá khứ trực tiếp của họ hay không, thể hiện ít hơn những thành kiến phán xét. Trong một cách liên quan, nghiên cứu khác đã chứng minh rằng hầu hết người ta đều là những người thông báo kém về những gì khiến họ hạnh phúc. Sẽ thú vị để xác quyết xem những người thực hành thiền định Phật giáo có khả năng đạt lấy sukha thì chân thực hơn ở trong dự báo cảm xúc hay không.
Những trạng thái tâm thần gây khổ đau
1- Quan điểm Phật giáo
Phật giáo không phân biệt giữa những cảm xúc và tiến trình tâm khác. Thay vào đó, nó đề cập đến việc hiểu những loại tâm nào thật sự có ích cho hạnh phúc của chính ta và của người khác, và những cảm xúc nào thì có hại, đặc biệt là về lâu dài.
Trong Phật giáo, một sự phân tách rạch ròi được thực hiện giữa những trạng thái xúc động mà chúng bị kích động một cách trực tiếp bởi trải nghiệm của sự kích thích thích thú (bằng cảm giác, cũng như thẩm mỹ và tri óc) và sukha, mà nó xuất hiện từ sự an trú và tĩnh tại của tâm. Trải nghiệm thích thú là tùy thuộc vào thời gian, không gian và môi trường cụ thể, và có thể dễ dàng thay đổi thành một cảm thọ trung tính hay không vui. Khi ta thoát khỏi sự kích thích vui thích, sự vui thích xảy ra như một kết quả biến mất, dù nó có nối kết với bất kỳ trạng thái đau khổ nào hay không.
Thách thức ban đầu của thực hành thiền định Phật giáo không chỉ chế ngự những trạng thái tâm tiêu cực, mà còn nhận ra cách chúng sanh khởi, cách chúng được trải nghiệm, và cách chúng ảnh hưởng đến mình và người khác về lâu dài như thế nào. Ngoài ra, ta học cách chuyển đổi và cuối cùng giải thoát mình ra khỏi tất cả những trạng thái đau khổ. Điều này đòi hỏi việc rèn luyện và phát triển khả năng của ta để tự quán sát những hoạt động tâm thức của chính ta, khiến ta có thể tách những suy nghĩ và cảm xúc gây hại khỏi những suy nghĩ và cảm xúc không gây hại. Trong Phật giáo, việc rèn luyện miên mật và nghiêm ngặt ở trong chánh niệm và sự nội quan thì được kết hợp với việc đào luyện sự vững chãi và sự sáng suốt có chú tâm.
Thứ đầu tiên là tham. Quy trình tâm này được đặt trên một sự tách rời không chân thực và cụ thể hóa giữa ta và những thứ khác - hay phổ biến hơn là giữa chủ thể và khách thể - như là hoàn toàn tách rời và không liên quan. Tham đề cập đến việc đoạt lấy và nắm giữ một đối tượng hay hoàn cảnh đáng mong muốn nào đó đối với “ta” và “của ta”, mà nó có thể bị “kẻ khác” đe dọa”. Ta cho rằng những phẩm chất đáng mong muốn là vốn ở bên trong đối tượng được mong muốn và rồi phóng đại những phẩm chất này, trong khi không biết hay ít chú trọng những khía cạnh không đáng mong muốn của đối tượng đó. Tham do đó là một cách thức tiếp xúc không chân thực với thế giới, và nó có hại bất cứ khi nào ta bám chặt với tiến trình tâm đau khổ này, bất chấp nó mạnh như thế nào hay những hoàn cảnh mà ở đó nó xuất hiện là gì. Tham được cho là gây đau khổ, vì nó phá vỡ sự an tĩnh của tâm, dễ dàng làm sanh khởi lo lắng, đau khổ, sợ hãi và giận dữ; và nó không chân thực ở trong ý nghĩa rằng nó tìm nguồn hạnh phúc từ các đối tượng bên ngoài.
Sân là phần thứ hai của những khổ đau căn bản của tâm và là một sự phản chiếu ngược lại của tham. Đó là, sân, hay ác tâm, xuất phát bởi mong muốn làm hại hay tiệt trừ bất cứ thứ gì mà nó cản trở việc tìm kiếm vị kỷ những đối tượng và những hoàn cảnh đáng mong muốn đối với ta và của ta. Sân phóng đại những phẩm chất không đáng mong muốn của các đối tượng và không để ý đến những phẩm chất tích cực của chúng. Khi tâm bị ám ảnh với oán giận, nó bị giữ chặt ở trong cảm giác lừa dối mà nguồn gốc sự không thỏa mãn của nó hoàn toàn thuộc về đối tượng ngoại tại (giống như, ở trong trường hợp của tham, tâm đặt nguồn thỏa mãn ở nơi những đối tượng đáng mong muốn). Nhưng ngay cho dù khởi sự của oán giận có thể là đối tượng ngoại tại, nguồn gốc thật sự của điều này và của tất cả những loại đau khổ tâm thức khác là chỉ ở trong tâm.
Cái thứ ba, đau khổ căn bản nhất của tâm là ảo tưởng nắm lấy những nhân dạng được vật chất hóa của chính mình và của kẻ khác như là thật có và cụ thể. Theo Phật giáo, ngã luôn ở trong một trạng thái tuôn chảy thường xuyên thay đổi, xuất hiện theo những cách thức khác nhau, và tương thuộc sâu sắc với người khác và môi trường. Tuy nhiên, con người theo thói quen che đậy bản chất thật sự của ngã bằng việc chồng lên thực tại những khái niệm thường hằng, độc lập và tự do ý chí. Như một kết quả của việc hiểu sai ngã như là cái độc lập, ở đó xuất hiện một ý thức mạnh về việc tách rời hoàn toàn ta với người. Khi ấy, tham tự nhiên xuất hiện đối với “tôi” và đối với những gì là của tôi. Niềm tin sai lầm của sự tách biệt hoàn toàn ta và người như vậy là cơ sở cho những đau khổ tâm thức tham, sân, ganh tỵ và vô minh. Những độc tố như vậy của tâm, ở trong Phật giáo, được xem là những nguồn gốc của tất cả mọi đau khổ tâm thức.
2- Những vấn đề lý thuyết và chiều hướng nghiên cứu
Những nhà tâm lý học không phân biệt giữa những cảm xúc có ích và có hại. Những người mà họ có một cái nhìn tiến bộ về cảm xúc đã đề xuất rằng những cảm xúc thì thích nghi qua lịch sử phát triển của các loài và vẫn còn thích nghi ngày hôm nay. Ngay cả những người mà họ phân loại cảm xúc chỉ đơn giản là tích cực và tiêu cực không đề ra rằng tất cả những cảm xúc tiêu cực là có hại đối với mình và người khác. Mục tiêu ở nơi bất kỳ nỗ lực thông báo thuộc phương diện tâm lý nào để cải thiện đời sống cảm xúc của mình là không phải để rũ bỏ bản thân hay vượt qua một cảm xúc - không ngay cả sân hận - mà để điều chỉnh kinh nghiệm và hành động mỗi khi một cảm xúc được cảm nhận (tuy nhiên, lưu ý rằng không phải tất cả những lý thuyết gia này xem sân hận như một cảm xúc).
Một điểm hội tụ giữa cái nhìn Phật giáo và tâm lý học là rằng sự chống đối, mà nó được xem ở phương Tây như là một tính khí hay một đặc điểm tính cách, được xem là tiêu cực đối với sức khỏe của ta. Bạo lực thúc bách thường xuyên cũng được xem là bất bình thường và được phân loại như là bệnh hoạn. Nhưng không thứ nào trong này tự nó được xem ở trong tâm lý học như là một cảm xúc.
Thay vì tập trung vào phát triển nhận thức về trạng thái bên trong của ta, tâm lý học nhấn mạnh nhiều vào nghiên cứu cách đánh giá lại những tình huống hay cách kiểm soát hành xử và biểu hiện cảm xúc.
Tài liệu đang phát triển mỗi ngày được đặt cơ sở trên những đo lường tự thuật về hạnh phúc chỉ ra rằng những sự kiện nhỏ, ngay cả những sự kiện có ý nghĩa chẳng hạn như trúng số, làm thay đổi một trạng thái vui sướng của một cá nhân nhưng không thay đổi mức độ hạnh phúc của một cá nhân. Những Phật tử đồng ý rằng những sự kiện chẳng hạn như trúng số sẽ không thay đổi mức độ hạnh phúc của một cá nhân, mà họ khẳng định rằng hạnh phúc như một sự an lạc (sukha) có thể được rèn luyện thông qua những thực hành cụ thể. Thêm nữa, sukha là một đặc tính mà không phải là một trạng thái. Nó là một phẩm chất tâm tràn ngập và có mặt khắp kinh nghiệm và hành xử.
Sự khác biệt quan trọng khác giữa Phật giáo và những phương pháp khoa học là rằng những Phật tử đưa ra một phương pháp cho việc chuyển hóa những trạng thái cảm xúc và cho việc đào luyện sukha, trong khi trong tâm lý học những phương pháp duy nhất cho việc thay đổi những dòng cảm xúc lâu dài là những phương pháp mà chúng đã được phát triển một cách cụ thể để chữa trị bệnh học tâm lý. Với một vài ngoại lệ đáng chú ý, không có nỗ lực nào đã được đầu tư trong việc đào luyện những thuộc tính tích cực của tâm ở nơi những cá nhân mà họ không có những rối loạn tâm thần. Những phương pháp của phương Tây đối với việc thay đổi những trạng thái hay dòng cảm xúc lâu dài không bao gồm sự nỗ lực liên tục trong một thời gian lâu dài mà được bao gồm ở trong tất cả việc học kỹ năng phức tạp - ví dụ, trong việc trở thành một kỳ thủ hay học chơi một nhạc cụ.
Những Phật tử, như chúng tôi đã nói, xem tham là một trong những độc tố chính của tâm. Không giống như những nhà tâm lý học giới hạn quan điểm tham nơi những trạng thái được tạo ra bởi những chất lạm dụng hay bởi những cơ hội gây thèm khát mạnh mẽ mà chúng đưa ra khả năng cho việc lạm dụng (ví dụ, cờ bạc, tình dục), những Phật tử sử dụng thuật ngữ này khái quát hơn bao gồm mong muốn đoạt lấy những đối tượng và vị trí cho riêng mình.
Những thực hành thiền định Phật giáo được thiết định một cách rõ ràng để trung hòa tham. Do đó sẽ rất hữu ích dựa trên kinh nghiệm để đánh giá cách những phương pháp này có hiệu quả như thế nào như là những can thiệp đối với những rối roạn gây nghiện, là những rối loạn tham muốn, và quyết định là hệ thống não liên quan đến tham có thay đổi bởi việc rèn luyện như vậy hay không.
Quan điểm Phật học, mà không phải của phương Tây, xem sân hận một cách cơ bản là có hại cho bản thân người trải nghiệm nó. Cái nhìn này cho thấy rằng nó sẽ rất hữu ích để nghiên cứu những cách thức khác nhau mà ở trong đó những người đã gặp một chấn thương lớn phản ứng theo cảm xúc đối với nguyên nhân tổn thương của họ - ví dụ, cách những người mà con cái của họ bị sát hại phản ứng đối với thủ phạm mỗi khi chúng bị bắt. Trong một nghiên cứu về những người như vậy, những đo lường xã hội, sức khỏe và sinh học khác nhau sẽ cung cấp thông tin về những kết quả của việc giữ lấy hận thù hay tha thứ đối với người phạm tội.
Kết luận chung
Những khái niệm và thực hành Phật giáo mà chúng đề cập đến đời sống cảm xúc tạo ra ba đóng góp rất riêng cho tâm lý học. Về khái niệm, chúng đưa ra những vấn đề bị nhiều nhà tâm lý học lờ đi, tạo ra những nét đặc biệt có sắc thái tinh tế hơn trong việc nghĩ về trải nghiệm cảm xúc.
Về phương pháp luận, chúng đưa ra những thực hành có thể giúp những cá nhân tường thuật những trải nghiệm nội tại của họ, và theo đó những thực hành ấy có thể cung cấp dữ liệu cốt yếu mà nó được trình bày chi tiết hơn và bao quát hơn điều được nắm bắt bởi những kỹ thuật mà những nhà tâm lý học hiện nay sử dụng để nghiên cứu kinh nghiệm cảm xúc khách quan.
Cuối cùng, những thực hành Phật giáo chính chúng đưa ra một liệu pháp, không chỉ cho người bị bất ổn tâm lý, mà cho tất cả những ai tìm cách cải thiện phẩm chất đời sống của họ. Chúng tôi hy vọng những gì vừa được tường trình sẽ thu hút sự quan tâm của những nhà tâm lý học để nghiên cứu thêm về truyền thống này.
Paul Ekman * - Nghiệp Đức dịch
(Nguồn: matthieuricard.org)
_________________
* Bài viết này là của bốn tác giả: Paul Ekman, Đại học California, San Francisco; Richard J.Davidson, Đại học Wisconsin, Madison; Sư Matthieu Ricard, Tu viện Shechen, Katmandu, Nepal; và B.Alan Wallace, Viện Santa Barbara for Consciousness Studies, Santa Barbara, California.
giacngo.vn